Dòng tiền đang chảy mạnh vào bất động sản

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến 31/5, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng.

Ngoài ra, thị trường bất động sản đã được củng cố thêm nguồn vốn thông qua kênh trái phiếu. Từ đầu năm đến nay, đã có 102 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị đạt 104.109 tỷ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.378 tỷ đồng. Nhóm ngành bất động sản vẫn tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu trong việc huy động vốn qua trái phiếu.

Trong quý II vừa qua, báo cáo từ một số tổ chức nghiên cứu thị trường cho thấy, xu hướng phát hành trái phiếu bất động sản đã tăng trở lại, giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực từ việc đáo hạn nợ so với quý trước.

Dòng tiền đang chảy mạnh vào bất động sản.

Trong tháng 6 năm nay, các doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng 62 lô trái phiếu, thu về 68.000 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Trong số này, ngành xây dựng và bất động sản đã huy động được khoảng 8.000 tỷ đồng, chiếm 12% tổng giá trị.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký mới, vốn điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đã đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thực hiện giải ngân ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2%, đây là con số giải ngân cao nhất trong 6 tháng đầu năm của 5 năm qua.

Về vốn đăng ký mới, có 1.538 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 9,54 tỷ USD, tăng 18,9% về số dự án và tăng 46,9% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã thu hút 1,89 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đăng ký mới. Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh từ các dự án trước đây, tổng vốn FDI vào lĩnh vực này đạt 1,99 tỷ USD, chiếm 14,8%. Trong 6 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện trong lĩnh vực bất động sản đạt 1 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng vốn.

Những con số này cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã hạ hệ số rủi ro tín dụng đối với bất động sản công nghiệp từ 200% xuống còn 160%, khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh cho vay trong phân khúc này. Sự lưu thông mạnh mẽ của dòng tiền là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy bất động sản công nghiệp đang “thăng hoa” và dẫn đầu các phân khúc trên thị trường. Điều này cũng lý giải vì sao dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục đổ vào phân khúc này, góp phần tạo nên tác động tích cực và giữ vững vị trí tâm điểm trên thị trường bất động sản.

Mặc dù bất động sản công nghiệp đang thể hiện tiềm năng vượt trội, nhưng sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực này đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng cải thiện để nắm bắt cơ hội và đạt được thành công.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, hiện nay, nguồn vốn cho thị trường bất động sản có đặc điểm là quy mô lớn. Ông Hiển phân tích thêm, theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/7 lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.

Ông Hiển cho rằng việc lãi suất giảm không phải là phương án lâu dài để hút vốn vào lĩnh vực bất động sản. “Nguồn vốn tín dụng ngân hàng càng không thể trở thành nguồn vốn chủ lực cho thị trường bất động sản về cả mặt kỳ hạn, chi phí vốn vay lẫn ràng buộc về tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp”, ông Hiển nhấn mạnh.

ES | Tell Us Your Toughest Challenge

Phone: 024 66 66 33 69

Email: Info@es.com.vn

Address: 1312, Tower B, The Light Building, To Huu, Nam Tu Liem, Hanoi.